Bánh Bèo có nhiều loại nhưng Bánh bèo bì Bình Dương lại mang hương vị đậm đà đặc biệt khó cưỡng trong lòng thực khách xa gần. Điểm khởi đầu từ những gánh hàng rong, giờ đây Bánh Bèo Bì đã có mặt trong những nhà hàng sang trang. Người dân nơi đây sáng lập ra thương hiệu này, nhẩm tính nhanh cũng có thể đoán được tuổi đời của món ngon phải ngoài 100 tuổi.
Khác với các loại Bánh Bèo khác, Bánh Bèo Bì chợ Búng (Bình Dương) đổ bằng gạo nguyên được vo đãi thật kỹ. Ngày trước, phần lớn người ta nấu bằng gạo đỏ, một loại gạo ngon, giã mòn cối đá những hạt gạo đỏ vẫn có mầu hồng hồng, chứ không trắng như bây giờ.
Đầu tiên là công đoạn đổ Bánh Bèo. Ngày trước người Bình Dương thường đổ trong chén (như thường thấy trong bánh bèo Huế). Quá trình này là cả một nghệ thuật, khi tay đổ dứt giọt bột cuối cùng thì phải vừa ngám miệng chén. Có vậy thành phẩm sau khi hấp xong miếng bánh bèo mới đẹp. Bột gạo để làm bánh cũng cầu kỳ không kém: gạo được ngâm qua đêm, rồi đổ cho ráo nước cho đến khi nào không còn mùi chua, xay nhuyễn rồi hòa với nước thành bột nước. Ngày nay áp dụng nhiều công nghệ mới nên việc đổ bánh cũng đơn giản hơn nhiều.
Bên cạnh miếng bánh bèo ngon thì bì và nước mắm cũng quan trọng không kém. Bì là hỗn hợp thịt heo xắt mỏng, bì heo ram xắt mỏng từng sợi trộn thính gạo, thêm gia vị là tỏi và bột canh. Thịt heo phải lựa loại thịt đùi ngon bọc da chung quanh, ram đến gần vàng.
Còn nước dừa thì cho vào nồi để lửa riu riu cho ngấm vào thịt thì mới thơm. Tỏi để trộn chung phải nồng và thơm, thính cũng vậy (vì không thơm là thính cũ, trộn vào sẽ làm giảm hương vị của bì). Nước mắm ăn kèm là hỗn hợp nước mắm ngon nhiều đạm pha loãng cùng nước thắng kiệu. Cũng loại nước mắm này khi ăn với bún bì cũng khá ngon.
Từng miếng bánh bèo với bột đậu xanh ở trên, quết thêm chút mỡ hành rồi phủ bì lên… chỉ đơn giản là vậy sao có thể cuốn hút bao nhiêu thế hệ thực khách? Nếu có dịp đến Bình Dương các bạn đừng quên thử món ngon này nhé.